Madarious Gibbs “mở lớp học floater” tại Game 2 VBA Finals 2022

Madarious Gibbs “mở lớp học floater” tại Game 2 VBA Finals 2022
Rate this post

Đến thời điểm này, phần lớn người hâm mộ đã có thể khẳng định một điều rằng Madarious Gibbs là một trong những hậu vệ ngoại binh xuất sắc nhất từng đặt chân đến VBA.

Anh sở hữu nhãn quan chiến thuật ấn tượng và sự điềm tĩnh của một thủ lĩnh thực thụ. Đến khi đội bóng cần tháo gỡ bế tắc trong tấn công, Gibbs lại biết cách tỏa sáng cá nhân với những pha ghi điểm hiệu quả. Và một trong những “vũ khí” hàng đầu được hậu vệ này lựa chọn đó là floater.

Madarious Gibbs đã tung ra không ít cú floater thành công tại Game 2, góp phần đưa Saigon Heat đến chiến thắng trước Hanoi Buffaloes

Tại NBA, floater là động tác được thuần thục bởi những siêu sao chơi ở vị trí PG như Tony Parker, Jason Kidd, Chris Paul hay gần đây hơn là Stephen Curry, Trae Young, Luka Doncic và Ja Morant.

“Chiêu” ghi điểm này có hai lợi thế. Đầu tiên là yếu tố bất ngờ vì sự chủ động phụ thuộc hoàn toàn vào người tấn công.

Họ có thể dừng ở bất kỳ thời điểm nào hay cự ly nào để thực hiện cú floater, đồng thời có nhiều lựa chọn về bộ chân như runner (một chân) hoặc hop-step (trụ hai chân).

Thứ hai là những pha floater thường đưa bóng theo quỹ đạo cao, vượt qua tay chắn của các trung phong bảo vệ rổ.

Với đủ thời gian tập luyện và hoàn thiện về mặt cảm giác, động tác ghi điểm này có thể trở nên rất khó cản phá. Đặc biệt hơn, nó cũng có thể theo sự hưng phấn và “vào zone” của người dứt điểm với một loạt cú floater thành công liên tiếp, giống hệt những pha ném rổ.

Luka Doncic thực hiện cú floater trước sự truy cản của các cầu thủ Golden State Warriors

Trở lại với Madarious Gibbs và màn trình diễn chói sáng tại Game 2, anh đã ghi tổng cộng 28 điểm cùng 6 assists, 4 rebounds và 3 steals. Trong đó, Gibbs có 6 cú floater trải dài từ cuối hiệp 3 (thời điểm Heat bị dẫn 6 điểm) tới hết trận, nơi “ông 30” giành chiến thắng chung cuộc 66-58.

Điều thú vị là 6 cú floater này đến trong những trường hợp khác nhau, đa dạng về độ khó cũng như áp lực về phòng thủ. Nó cũng cho thấy khả năng đọc tình huống và xử lý nhanh của Gibbs, đồng thời thể hiện khả năng “clutch” đỉnh cao của hậu vệ người Mỹ này.

Xuất phát từ bài đánh “horn”, Gibbs có vị trí post-up quay lưng về phía rổ. Sau khoảnh khắc hài hước khi cả hai trung phong của Heat chỉ tay về hai hướng khác nhau, Dư Minh An đã hướng về phía Gibbs để chuyền bóng. Tại đây Gibbs đã có một chút tiểu xảo để loại bỏ Stubbs, nhận bóng và có cú floater từ góc không độ.

Tình huống này cho thấy Madarious Gibbs đã đưa bóng vượt khỏi tầm với của Shane Henry dù trung phong Buffaloes đã rất nỗ lực cản phá, đồng thời anh căn thời điểm chuẩn xác để Henry không kịp lao ra “close-out”. Đây chính là hai lợi thế mà floater mang lại, giúp Gibbs có điểm số rút ngắn cách biệt.

Ngay đường lên bóng tiếp theo là cú floater thành công thứ hai của Gibbs, lần này anh “tự làm, tự ăn” thay vì nhận đường chuyền như trước.

Nhận thấy người kèm là Tâm Đinh, anh đã chủ động giữ bóng để có pha tấn công 1-1 với đối thủ. Sau loạt nhồi bóng “ru ngủ” đối phương của Gibbs, Tâm Đinh đã “sập bẫy” khi cướp bóng bất thành và bị loại bỏ hoàn toàn. Pha qua người cho thấy sự điềm tĩnh và có chút tinh quái của Gibbs.

Sau đó anh đánh thẳng vào giữa khu vực 3 giây như chốn không người, nhận ra không cái bóng Buffaloes nào “close-out” và thực hiện cú floater một chân đầy cảm giác. Một chút may mắn đã đứng về phía Heat khi bóng bật vành rổ nhiều lần trước khi tính điểm, nhưng đó cũng là kết quả một cái cổ tay đủ độ “phiêu” của Madarious.

Cú floater tiếp theo xuất phát từ pha post-up tương tự tình huống đầu tiên nhưng lần này Gibbs thể hiện khả năng chọn vị trí và góc lấy chỗ tốt hơn.

Tiến Dương là một chuyên gia phòng thủ đầy kinh nghiệm và anh đã làm rất tốt ở những giây đầu tiên. Nhưng trước áp lực lấy chỗ của Gibbs, hậu vệ Buffaloes đã mất trụ chân phải hướng về phía rổ và đánh mất hoàn toàn sự chủ động.

Nhận thấy điều này, Gibbs nhận đường chuyền từ Stafford, lập tức xoay người để mất trụ hoàn toàn và mở ra đường hướng đến rổ. Shane Henry đã quan sát thấy đồng đội mất người và lập tức bọc lót, chuẩn bị bật nhảy cho một cú block.

Nhưng một lần nữa, cú floater vừa đúng thời điểm, vừa có quỹ đạo khó chịu đã không cho Henry cơ hội cản phá. Một yếu tố cần nhắc đến là lúc này Gibbs đã có cảm giác dứt điểm rất tốt và cực kỳ tự tin. Điều này được thể hiện ở pha floater tiếp theo khi anh vẫn thành công dù chịu áp lực phòng thủ khá lớn.

Vẫn là Tiến Dương nhưng lần này chuyên gia phòng ngự của Hanoi Buffaloes đã chủ động hơn. Anh đọc được bài đánh của Heat và thoát được pha cản người yểm trợ của Tim Waale, duy trì thế chủ động trước mục tiêu của anh là Madarious Gibbs.

Lúc này, Gibbs tung ra một loạt tình huống nhồi bóng để tìm sự sơ hở từ Tiến Dương nhưng không thành công. Vì vậy anh quyết định đột phá bằng tay không thuận, chủ động tạo va chạm với đối thủ rồi có pha drop-step để lấy trụ hai chân.

Với sự tự tin đang lên cao, Gibbs mạnh dạn bật nhảy rất nhanh để thực hiện pha floater, phần nào làm Tiến Dương bị bất ngờ và không kịp cản phá. Điểm số giúp Saigon Heat vươn lên dẫn trước 55-49, kiểm soát thế trận trước khi bước vào giai đoạn quyết định.

Nói đến khoảng thời gian cuối hiệp 4, Madarious Gibbs vốn là một “chuyên gia kết liễu đối thủ” với không ít lần ghi những điểm số quan trọng, mang chiến thắng về cho nửa đỏ “Sài Thành”. Game 2 này cũng không phải ngoại lệ.

Ngay sau khi Buffaloes có điểm số để thu hẹp khoảng cách xuống 4 điểm (tỷ số 55-51 nghiêng về Heat), Gibbs hiểu rằng anh và các đồng đội cần phải có điểm ở pha bóng này để ngăn cản sự hưng phấn của đối thủ.

Sau khi nhìn qua match-up trên sân, Gibbs chọn Phú Vinh với người kèm là Trần Minh Hiếu để thực hiện bài đánh hai người (two-man game). Anh chủ động gọi đồng đội yểm trợ ở góc phải, cũng là hướng tay thuận, tận dụng thành công việc kết hợp không tốt của Stubbs và Minh Hiếu rồi đột phá thẳng vào trong.

Lần này góc dứt điểm đã hẹp hơn. Shane Henry cũng chọn vị trí phòng thủ tốt hơn và đã chờ sẵn cho một cú block. Nhưng tiếc cho Buffaloes là dù Henry thủ rất tốt, Madarious Gibbs còn tốt hơn với cái cổ tay đầy cảm giác, đưa bóng tựa bảng ở góc rất cao để ghi điểm.

Với độ khó tăng dần, Gibbs đến thời điểm này đã thực hiện thành công 5 cú floater liên tiếp. Tuy vậy độ khó ở pha tiếp theo, cũng là FG cuối cùng của Madarious trong trận còn lớn hơn nữa. PG của Saigon Heat tiếp tục phải đối đầu với Nguyễn Tiến Dương và lần này không chỉ có áp lực phòng thủ, anh còn đối diện với áp lực về thời gian.

Sau khi “đọ tài” một chút với Tiến Dương, Gibbs tiếp tục đánh về bên trái với một cú bứt rất dài để bỏ lại đối thủ, thẳng tiến vào khu vực 3 giây. Trước mặt anh một lần nữa là Shane Henry, người vẫn chưa thể ngăn cản bất kỳ pha floater nào của hậu vệ mang áo số 1.

Gibbs chỉ bật nhảy cách Henry chưa đầy 1 mét, đồng thời anh ở khá xa rổ (gần vạch ném phạt), nhưng rồi kết quả vẫn không hề thay đổi. Pha ghi điểm vượt mọi áp lực về không gian, thời gian và cả tầm quan sát bị che chắn khá nhiều bởi “bức tường” Shane Henry.

Vào lúc này, đôi tay của Madarious Gibbs đã quá nóng với sự tự tin chạm đỉnh. Độ khó của pha dứt điểm có lẽ chỉ để tôn vinh thêm đẳng cấp rất cao mà hậu vệ người Mỹ thể hiện ở Game 2. Đặc biệt là với 6 cú floater liên tiếp đạt tỷ lệ 100%, đưa Heat từ tỷ số 41-47 lên thành 61-53.

Có người gọi Madarious Gibbs là “quý ngài hiệp 4” vì những màn trình diễn chói sáng và “clutch” của anh về cuối trận. Nhưng riêng ở Game 2 VBA Finals 2022, hãy gọi anh là bậc thầy floater với một loạt cú ra tay đầy cảm giác, có thêm chút điệu nghệ và cực kỳ hiệu quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *