Trường học là nơi giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người đáp ứng yêu cầu của xã hội, vì thế nhà trường trước hết phải là môi trường văn hóa thực sự. Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục trong mỗi nhà trường nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa – giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết và thường xuyên của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục – đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Nhiều mối lo về văn hóa học đường
Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, những biểu hiện xuống cấp của văn hóa học đường đang là mối lo ngại, trở thành vấn đề “nóng” của xã hội.
Bên cạnh đại đa số học sinh có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh ứng xử thiếu văn hóa như nói tục, chửi bậy, thô lỗ, cục cằn; kết bè phái, gây gổ, đánh nhau… Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà ở cả học sinh nữ, gây hậu quả đáng tiếc và tác động xấu đến môi trường giáo dục.
Một bộ phận học sinh có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, buông thả, thiếu trách nhiệm với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân mình nên chây lười trong học tập, sa vào các thú vui không lành mạnh, các trò chơi điện tử, sống trong thế giới ảo của mạng xã hội, khép mình với thực tiễn cuộc sống.
Có bộ phận học sinh hiện nay tâm sinh lý phát triển sớm, quan niệm tình yêu gắn liền với tình dục đã để lại những hậu quả khó lường. Có những bạn trẻ bị trầm cảm, tự tử hoặc đứng trước nguy cơ vô sinh, thậm chí đã có nhiều trường hợp bị vô sinh do nạo hút thai ở tuổi dậy thì; không ít học sinh đã “phải” làm cha, làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” do quan niệm quá thoáng về tình yêu.
Những năm gần đây, hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục đã xảy ra ở một số trường học, dẫn đến tình trạng thương mại hóa quan hệ giáo viên – học sinh, giáo viên – phụ huynh. Một số ít thầy, cô giáo vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, có hành vi xâm hại, bạo hành học sinh…
Đa số học sinh được tiếp cận, hòa nhập với thời đại chuyển đổi số, công nghệ 4.0 và chịu nhiều chi phối, ảnh hưởng trực tiếp từ mạng xã hội. Vẫn còn một bộ phận học sinh chưa đủ kiến thức, lười tìm hiểu, cập nhật, nắm bắt kịp thời các thông tin chính thống, không ngần ngại đưa ra các phát ngôn có tính kích động để tăng độ “nóng” cho các thông tin, sự kiện đang được dư luận quan tâm.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng trên nhưng có thể nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do việc giáo dục con trẻ trong một số gia đình hiện còn nhiều bất cập; sự đa dạng, phức tạp, tác động nhiều chiều của môi trường mạng; sự thiếu đồng bộ trong nhận thức của xã hội, việc đầu tư chưa đúng mức (nhân sự, kinh phí, giải pháp…) của các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý; công tác truyền thông chính thống còn nhiều hạn chế.
Ở bậc đại học, việc hình thành nhận thức, xây dựng thái độ tích cực đối với sinh viên để duy trì được các chuẩn mực về văn hóa ứng xử cũng là nhiệm vụ không dễ dàng. Theo lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hàng năm, trường đón hơn 7.000 tân sinh viên với tuổi đời còn trẻ và vốn sống ít ỏi lại đến từ mọi vùng miền với điều kiện kinh tế khác nhau; phạm vi sinh sống, học tập khi học đại học rộng khắp Hà Nội. Sinh viên sinh hoạt tự do, thiếu sự quan tâm, giáo dục thường xuyên của gia đình… Đây là những thách thức ảnh hưởng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.
Xây dựng mô hình giáo dục phù hợp
Để công tác xây dựng văn hóa học đường đạt được những kết quả như kỳ vọng, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng internet, nhất là các kênh Youtube, Tiktok… Đồng thời, cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn, định hướng việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường theo giai đoạn hoặc năm học để tạo sự đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục trong trường học như: cung cấp tài liệu văn hóa học đường; xây dựng chuyên đề sinh hoạt Đoàn, Đội, giáo dục kỹ năng sống; chuyên đề văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên… Tổ chức các chương trình, các lớp tập huấn về công tác xây dựng văn hóa học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học.
Đối với việc xây dựng văn hóa học đường trong môi trường đại học, lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các nhà trường cần tích cực hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường cảnh quan xung quan trường luôn xanh – sạch – đẹp, an toàn, an ninh trật tự. Quản lý các hàng quán gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các tụ điểm phát sinh tệ nạn xã hội, chơi game, gây sao nhãng việc học hành ở xung quanh trường, quản lý sinh viên nội ngoại trú.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định, hướng dẫn chế tài xử lý cập nhật thực tiễn nhằm hỗ trợ công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; giúp nhận diện, xử lý mang tính răn đe đối với các phát ngôn bình luận thiếu văn hóa của sinh viên trên không gian mạng…
Về phía các cơ quan truyền thông, cần tăng cường thông tin tấm gương tốt – việc làm tốt, hạn chế đăng tải các thông tin giật gân, gây sốc ảnh hưởng tới nhận thức không tốt của giới trẻ về xã hội và cộng đồng. Các đơn vị chuyên môn thường xuyên tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, chương trình đào tạo, giới thiệu đội ngũ chuyên gia tư vấn hỗ trợ nhà trường xây dựng các chương trình giáo dục văn hóa ứng xử trong học đường.
Tiến sĩ Vương Thị Phương Hạnh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ: Trong giai đoạn thực hiện đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt khi xã hội đang có những dấu hiệu xuống cấp về văn hóa và đạo đức, vấn đề trước tiên là phải xác định được hệ giá trị văn hóa cần hình thành ở học sinh. Từ đó, xây dựng mô hình giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp nhằm khắc phục tình trạng nhiều học sinh biết về giá trị văn hóa nhưng không hành động theo chuẩn giá trị văn hóa do nhận thức chưa được chuyển thành niềm tin hay giá trị văn hóa của chính các em.
Theo Tiến sĩ Vương Thị Phương Hạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định, hướng dẫn cụ thể cả về nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh. Đồng thời, giáo dục giá trị văn hóa phải là nội dung bồi dưỡng giáo viên hàng năm. Có như vậy mới đưa được hệ giá trị văn hóa vào trong nhà trường, chuyển hóa những giá trị văn hóa xã hội thành giá trị văn hóa của cá nhân học sinh, góp phần phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, có khả năng hợp tác và hội nhập.
Đối với giáo viên, cần xác định rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh trong nhà trường và nắm được đặc điểm tâm lí – xã hội của học sinh phổ thông đã có những thay đổi. Từ đó, nhận diện những vấn đề tích cực và tiêu cực của học sinh, từng bước khắc phục những hạn chế đang hiện hữu và có nguy cơ lan rộng; đồng thời, khai thác mặt tích cực, thế mạnh của học sinh để lựa chọn các biện pháp giáo dục phù hợp, giúp các em dần hoàn thiện hơn về nhân cách, có cơ hội phát triển toàn diện hơn.
Mỗi nhà trường xác định mô hình giáo dục và các con đường, biện pháp giáo dục khác nhau để đưa những giá trị văn hóa vào trong trường học, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì sự phát triển toàn diện của học sinh trong giai đoạn mới.