The Last Of Us Part 1 – Đánh Giá Game

The Last Of Us Part 1 - Đánh Giá Game
Rate this post

The Last Of Us Part 1 – Đề tài sinh tồn thời hậu tận thế với đại dịch xác sống (zombie) đã từng được khai thác rất nhiều trên các phương tiện nghệ thuật từ tiểu thuyết, điện ảnh cho tới video game từ lâu nhưng khi hãng Naughty Dog ra mắt một dự án (IP) hoàn toàn mới mang tên: The Last Of Us, vào cuối vòng đời cỗ máy PS3 thì đó vẫn là một cơn “địa chấn” rung chuyển cả ngành công nghiệp game thời bấy giờ.

Với doanh số bán kỷ lục 1,3 triệu bản chỉ trong tuần phát hành đầu tiên cùng ngập tràn lời khen ngợi từ người chơi cho tới giới phê bình, The Last Of Us nghiễm nhiên “ẵm trọn” giải thưởng danh giá nhất “Game of the Year” năm đó, rồi “gom” luôn hàng tá hạng mục khác tại sự kiện Golden Joystick Awards (sự kiện trao giải game thường niên đình đám nhất trước khi The Game Awards ra đời năm 2014). 

Giới chuyên môn còn không ít lần xướng tên The Last Of Us vào danh sách các tựa game xuất sắc nhất mọi thời đại. 

Cơn dư chấn của nó kéo dài tiếp tới thế hệ PS4 khi “chào sân” phiên bản “tút lại” The Last Of Us Remaster cũng thành công không kém, cả về mặt doanh số lẫn điểm đánh giá cao vút trên các chuyên trang nổi tiếng. 

Rồi khi hậu bản The Last of Us Part 2 ra mắt năm 2020, dù vấp phải rất nhiều tranh cãi nhưng vẫn giúp Sony “nở mày nở mặt” khi xô đổ mọi kỷ lục của “đàn anh” tiền nhiệm và còn trở thành tựa game đạt nhiều giải thưởng nhất lịch sử. 

Nên không làm lạ khi các dự án “ăn theo” thương hiệu này lần lượt được “thai nghén” và ra đời như bộ truyện tranh (comic book) “The Last of Us: American Dreams” và gần đây nhất là được HBO chuyển thể thành loạt phim truyền hình với sự góp mặt của minh tinh Pedro Pascal (The Mandalorian, Wonder Woman 1984, v.v.). 

Nhưng đến khi Naughty Dog công bố sẽ lần nữa làm mới lại hoàn toàn diện mạo của The Last Of Us, tận dụng tối đa những nâng cấp công nghệ “next-gen” của PS5 và đặt cho tựa game này cái tên: The Last Of Us Part 1, với giá bán lên tới 70USD thì đã bắt đầu xuất hiện những ngờ vực cùng nhiều bình luận trái chiều, nhất là khi phong trào “remake game” đang ngày càng bị “lạm dụng” và còn có tin rằng phần này được thực hiện chỉ vì hãng game đang… quá rảnh.

Liệu sau một chặng đường dài nhiều biến động thì tựa game này có còn đủ sức hút mãnh liệt như xưa?  

Hãy cũng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé.  

BẠN SẼ THÍCH

Những cung bậc cảm xúc mãnh liệt!

Đầu tiên, ta sẽ điểm tới một yếu tố then chốt góp phần rất lớn vào thành công của cả dòng game chính là phần nội dung: sâu sắc, lắng đọng, nhiều giá trị nhân văn và đậm chất “điện ảnh”. 

Toàn bộ game xoay quanh cuộc đời của nhân vật Joel, một ông bố đơn thân rất đỗi bình thường nhưng số phận nghiệt ngã đã thay đổi và cướp đi mọi thứ của cuộc đời anh vào một đêm sinh nhật định mệnh.

Chủng loài nấm có tên “Cordyceps” đã phát triển tới mức ký sinh vào não người gây đột biến khiến họ trở nên điên loạn, khát máu và trở thành một cơn đại dịch lan rộng khắp toàn cầu, đẩy nhân loại đến trước bờ vực diệt vong.

Ngắn gọn, tránh “spoil” cốt truyện game thì xuyên suốt phần một là cuộc hành trình đấu tranh giành giật sự sống và mối gắn kết tương quan lạ thường giữa Joel với cô bé bí ẩn mang tên Ellie, tạo tiền đề cho phần hai với nội dung đen tối và ngập tràn sự thù hận. 

Dưới bàn tay của vị đạo diễn tài ba Neil Druckmann, kịch bản game được xây dựng kịch tính và hấp dẫn đến mức chỉ cần ngồi xem qua hết các đoạn phim cắt cảnh (cutscene) và cinematic trong game thì bạn sẽ có cảm giác thỏa mãn như vừa xem qua một bộ phim điện ảnh đỉnh cao của Hollywood vậy.  

Và vẫn màn hình chờ khung cửa sổ bên chiếc rèm quen thuộc, vẫn những giai điệu guitar năm xưa đấy, các ký ức bắt đầu ùa về gợi nhớ một trong số ít tựa game duy nhất từng lấy đi nước mắt, với biết bao nhiêu là cảm xúc mãnh liệt của người viết sau khi được thưởng thức nó gần một thập kỷ về trước.

yếu tố then chốt góp phần rất lớn vào thành công của cả dòng game chính là phần nội dung: sâu sắc, lắng đọng, nhiều giá trị nhân văn và đậm chất “điện ảnh”


Bình mới, rượu cũ

Để tóm gọn diện mạo của The Last Of Us Part 1 thì có thể nói đây là tựa game có chất lượng đồ họa xuất sắc nhất từ trước đến nay trên mọi nền tảng mà người viết từng được chơi, thậm chí còn vượt trội so với một game bom tấn khác của nhà Sony vừa ra mắt không lâu là Horizon Forbidden West.   

Đúng với khẩu hiệu “rebuild for PS5”, Naughty Dog đã không hề “ngoa” khi họ đã thật sự “xây” lại rất nhiều chi tiết trong tựa game lần này.

Ấn tượng đầu tiên là môi trường trong game và thiết kế tổng thể màn chơi đều được bảo tồn từ bản gốc nhưng độ chi tiết từ hình khối (geometry) vật thể cho tới các thảm thực vật tự nhiên thêm vào đều được đầu tư chăm chút, tỉ mỉ tạo cảm giác chân thật và sống động. 

Thiết kế nhân vật có những sự “lột xác” khi từ tên lính gác cổng chỉ xuất hiện thoáng qua cho tới những cái tên quen thuộc như ông chú “gai góc” Bill hay cô bé Ellie đều được “giải phẫu” với diện mạo hoàn toàn mới. Hay quý cô Tess nay được “đập đi xây lại” với công nghệ quét mặt (face scan) từ chính diễn viên lồng tiếng, mang lại diện mạo gần gũi như đời thật, khác hẳn với phong cách stylize còn có phần “hoạt họa” như ngày xưa. 

Thậm chí khuôn mặt “thương hiệu” của nhân vật Joel còn có phần chi tiết hơn cả phần hai dù nó khiến anh trông có nét buồn bã và… già hơn đi khá nhiều. 

Đặc biệt, tất cả các mô hình này sẽ hiện diện cả từ trong cinematic cho tới thời gian thực (real-time render) hay nói dễ hiểu là người chơi giờ rất khó mà phân biệt được sự chuyển giao giữa cinematic với các phân đoạn cắt cảnh (cutscene), cho tới phần được tự điều khiển trong game. 

Nhưng ấn tượng nhất thì phải kể đến độ tả thực (physcial base rendering) quá “kinh khủng” của The Last Of Us Part 1 với giả lập ánh sáng, hiệu ứng bóng đổ cho tới bề mặt chất liệu các vật thể đều được nâng lên một tầm cao mới, với những công nghệ hiện đại và tối ưu nhất của cỗ máy PS5. 

Các hiệu ứng cháy nổ, mặt nước và tương tác vật lý cũng đều được cách tân không hề thua kém phần hai.

Không ít lần người viết phải tạm dừng để chiêm ngưỡng những cảnh tượng choáng ngợp và kỳ vĩ của thế giới hoang tàn đổ nát trong game.

Chất lượng diễn hoạt (animation) trong The Last Of Us Part 1 cũng được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở khâu biểu cảm với mỗi cái nhấc chân mày, từng khẩu hình miệng cho đến ánh nhìn của nhân vật hay các chuyển động khác đều được chăm chút và tái hiện cực kỳ chân thật. 

Ở khía cạnh âm thanh thì theo người viết, game sẽ thật sự tỏa sáng khi chơi kèm một chiếc tai nghe chất lượng, đặc biệt là có hỗ trợ công nghệ 3D Sound giả lập tiếng động xung quanh như Sony Pulse.  

Đúng với khẩu hiệu “rebuild for PS5”, Naughty Dog đã không hề “ngoa” khi họ đã thật sự “xây” lại rất nhiều chi tiết trong tựa game lần này


Những thêm thắt đáng giá!

Cốt lõi, từ điều khiển cho tới trang bị hay nâng cấp trong The Last Of Us Part 1 gần như không có thay đổi gì mang tính đột phá, mà chỉ được cải tiến giúp đem lại cảm giác chiến đấu máu lửa và khốc liệt hơn trước. 

Ngoài ra, các bổ sung và thêm thắt giúp trải nghiệm càng thêm phần thú vị như việc được xem Joel “độ” lại các loại súng ống trong thời gian thực, hay các nhân vật sẽ có phản ứng nhăn nhó, che mặt khi bị đèn pin của người chơi chiếu vào.

Tất cả vũ khí cũng được tinh chỉnh lại hợp lý từ sức nặng, độ nảy cò cho tới cả mức đung đưa trên tay khi ngắm bắn, khi được kết hợp thêm với tính năng Adaptive Trigger của tay cầm Dual Sense, càng đem đến cảm giác rất “lực” và “đã” khi nhấn bắn, nhất là những khẩu bắn tỉa và cung tên. 

Yếu tố hành động sinh tồn với những khoảnh khắc hồi hộp tới mức nghẹt thở cũng giữ nguyên bản sắc khi người chơi phải chắt chiu từng viên đạn hay các loại tài nguyên để chế đồ, đặc biệt là ở độ khó cao nhất “Grounded” với tính năng “Permadeath” (chết là chấm hết) được “mượn” về từ phần hai.

The Last of Us Part 1

Khá thú vị là cùng chung một đề tài và bối cảnh nhưng The Last Of Us không có khái niệm càn lướt với những cây tiểu liên, nã bom đạn xối xả vào xác sống như Days Gone mà ngược lại, game “khuyến khích” người chơi áp dụng chiến thuật hành động “lén lút” nhiều hơn và biết tận dụng các công cụ khác ngoài súng ống để giải quyết vấn đề.

Nhưng sự tự do, phóng khoáng ở cách chơi hay tiếp cận mục tiêu của The Last Of Us Part 1 vẫn kém đa dạng hơn phần hai, một phần vì nhân vật không có chức năng nằm sấp xuống để trườn, ẩn nấp và phần còn lại vì thiết kế một số màn chơi đã khá lỗi thời với quá nhiều chướng ngại vật được dàn dựng, khiến phạm vi di chuyển chật hẹp.  

Tuy nhiên, điều này phần nào được khỏa lấp bởi AI (nhân vật do máy điều khiển) được lập trình cực kỳ thông minh và biết ứng biến linh động tùy theo tình huống. Khi xung đột, AI đối phương không từ tốn mà rất manh động khiến nhiều lần người viết không kịp trở tay và còn dễ bất ngờ trước các chiêu “thọc sườn”, đánh úp của chúng. 

The Last of Us Part 1

Khác hẳn phiên bản gốc, các tên lính trong The Last Of Us Part 1 giờ đây thường xuyên biết lạng lách né tránh đường đạn của Joel khi đối đầu trực diện và còn biết… van xin tha mạng khi tất cả đồng bọn đã bị triệt hạ!   

Đặc biệt, công nghệ VRR (thay đổi tốc độ làm tươi) cũng được hỗ trợ cho các thế hệ tivi mới. 

Cụ thể, khi người viết đặt thiết lập đồ hoạ ưu tiên hiệu năng (Performance Mode) cùng mở khóa khung hình (Unlocked Framerates), thì khung hình game có thể đẩy lên tới mức tối đa 120 giúp các tình huống kịch tính như quăng gạch rồi xộc về phía đối phương kết liễu bằng súng hay dùng vài “tương tác vật lý” xem rất “phê” và mượt mà.

từ điều khiển cho tới trang bị hay nâng cấp trong The Last Of Us Part 1 gần như không có thay đổi gì mang tính đột phá, mà chỉ được cải tiến giúp đem lại cảm giác chiến đấu máu lửa và khốc liệt hơn trước

Haptic Feedback cũng đem lại những trải nghiệm thú vị khi người chơi có thể cảm nhận rõ rung chấn của từng giọt mưa, từng bước vó ngựa trên các nền địa hình khác nhau. 

Sau khi hoàn thành xong The Last Of Us Part 1 lần đầu tiên, người chơi sẽ mở khoá được thêm những cài đặt bổ sung rất thú vị cho lần chơi tiếp theo và còn có thể thay các trang phục rất độc đáo cho các nhân vật chính. 

BẠN SẼ GHÉT

The Last of Us Part 1

Giá quá “chát”

Nhìn chung, không thể phủ nhận Naughty Dog đã làm rất tốt công tác “tái thiết” gần như toàn bộ các khía cạnh một trong những tựa game thành công nhất của họ nhưng với giá bán lên tới… 70USD thì vẫn còn khó để chấp nhận được.

Trong khi “remake game” cũng đâu còn lạ gì với các studio của nhà Sony, họ đã từng rất thành công đem những tựa game kinh điển của mình lên hệ máy mới như Crash Bandicoot hay Shadow of the Colossus rồi, nên nếu The Last Of Us Part 1 có giá bán vào khoảng 40USD sẽ hợp lý hơn.

không thể phủ nhận Naughty Dog đã làm rất tốt công tác “tái thiết” gần như toàn bộ các khía cạnh một trong những tựa game thành công nhất của họ nhưng với giá bán lên tới… 70USD thì vẫn còn khó để chấp nhận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *