Saints Row – Là phiên bản “reboot” của dòng game Saints Row sau khoảng thời gian vô cùng im ắng kể từ bản Saints Row: Gat out of Hell (2015) và cả Agents of Mayhem – tựa game thuộc “đa vũ trụ” giữa dòng game Saints Row và Red Faction.
Sự trở lại này cũng không hẳn là quá ngạc nhiên khi nhìn vào tổng thể cốt truyện sau phần bốn của dòng game. Việc “reboot” lại cũng giúp phần nào hãng phát triển có thể tìm thêm hướng đi mới.
Thế nhưng khi ra mắt teaser cùng hàng loạt các trailer của Saints Row 2022, mọi thứ có vẻ đã đi ngược với kỳ vọng của nhiều người hâm mộ nói riêng.
Thế nhưng có thật sự chất lượng của game như thế hay vẫn có những tiềm năng đầy bất ngờ?
Bạn đọc hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau!
BẠN SẼ THÍCH
VUI HƠN BẠN TƯỞNG!
Người viết sau khi đọc qua các bài điểm số của Saints Row đã vô cùng hoang mang vì sau trải nghiệm của bản thân, tựa game không hề tệ như vậy một chút nào.
Khởi đầu câu chuyện của Saints Row bắt đầu khi The Boss – nam/nữ nhân vật chính sau khi bị tập đoàn Marshall đuổi việc trong một sự kiện đáng tiếc không hề do bản thân làm. Trong lúc sầu muộn ngày đêm, đột nhiên nhân vật chính cùng ba người bạn thân quyết định sẽ làm một cái gì đó mà họ giỏi nhất: quậy phá và kinh doanh bất hợp pháp. Băng đảng bất đắt dĩ từ đấy bắt đầu hình thành.
Dĩ nhiên, người chơi cũng biết việc tìm đến Saints Row mới nói riêng, hay cả dòng game kể từ sau phần The Third nói chung chắc chắn không phải nằm ở mặt cốt truyện sâu sắc, đầy suy ngẫm với cuộc sống!
Vì như hướng phát triển từ đội ngũ Deep Silver Volition, tựa game mới cũng tiếp bước với sự phi logic, đầy hài hước và điên rồ lẫn những câu thoại châm biếm móc nhau trong các tình tiết cốt truyện.
Thế nhưng, tuy bựa tới cùng là thế, Saints Row vẫn có đủ những khoảng khắc đáng nhớ và phần lớn nhờ vào các tuyến truyện của dàn nhân vật đồng hành vô cùng ngầu, thiện cảm và có phần dễ thương. Họ góp phần rất nhiều trong việc tạo ra một nhân vật chính “The Boss” đủ chiều sâu lẫn phát triển tính cách, và đều là những cây hài hài tỏa sáng của biệt đội “cây ngay không sợ chết đứng” này.
Các tuyến truyện trong Saints Row cũng đầy những cú xoắn, biết cách chấm phá bằng những pha bẻ lái “bức tường thứ tư” đầy bất ngờ khiến người viết đôi lần “thiệt luôn hả?”. Vì tựa game không hề quan tâm tới yếu tố tả thực nên mặt cốt truyện của game được tha hồ “ảo hóa”, sáng tạo với những màn hành động vô lý nhưng lại có lý hết sức trong thế giới mà các nhân vật sinh sống.
Nhìn chung về tổng thể, Saints Row vẫn sở hữu một câu chuyện vui và giải trí ổn thỏa cùng các bạn đồng hành, kẻ thù đủ đất diễn nhất định.
Đặc biệt với những game thủ thích “nói ít làm nhiều”, không muốn coi qua các đoạn cắt cảnh thì Saints Row sẽ làm hài lòng các bạn.
về tổng thể, Saints Row vẫn sở hữu một câu chuyện vui và giải trí ổn thỏa cùng các bạn đồng hành, kẻ thù đủ đất diễn nhất định
Thế giới mở của Saints Row tương đối rộng, đa dạng địa hình và bối cảnh, cũng như cũng kha khá các hoạt động đa dạng đan xen các tuyến nhiệm vụ chính – phụ để làm.
Cách thiết kế các tuyến nhiệm vụ nhìn chung tuy không hẳn nổi bật so với hầu hết các game thế giới mở khác, nhưng vẫn biết cách làm mới với các cách thực hiện đa dạng đầy tính “Hollywood” như vài màn chơi làm liên tưởng tới Uncharted 4: A Thief’s End, hoặc điên rồ hơn khi lấy xe móc cần câu vô cái toilet mà địch đang “xả stress” rồi… lăn xả cho tới khi nào hắn chịu khai thông tin thì thôi.
Các hoạt động “mini game” khác trong Saints Row cũng có một chút thay đổi khi chúng chỉ có thể bắt đầu được mở khóa thông qua việc người chơi bắt đầu xây dựng các cơ sở kinh doanh “bất hợp pháp”, được đặt tại một trong nhiều vị trí định sẵn trên bản đồ tại trụ sở của băng đảng của mình.
Các “mini game” này cũng bựa như mọi thứ diễn ra trong thế giới của Saints Row, ví như @tcha – chấm điểm 1 sao cho nhà hàng theo yêu cầu rồi bắn hạ hết các tay súng được cử tới triệt hạ mình, hay Pony Express – thủ tiêu chứng cứ với nhiều yêu cầu kỳ quặc trong thời gian nhất định mà phải lẩn tránh khỏi vùng kiểm soát của lực lượng cảnh sát.
Bên cạnh, Saints Row có vô vàn các bí mật không được bật mí nơi như chụp ảnh đẹp hoặc các vật phẩm ẩn để trang trí căn cứ, các “thùng rác quý” tặng quà, cũng như những bí ẩn kỳ lạ, trứng Phục sinh (easter eggs), v.v. chờ đợi người chơi tự khám phá.
Một điểm khác người viết khá thích ở Saints Row, đó chính là tính năng “fast travel” (di chuyển nhanh đến địa điểm định sẵn) được hãng phát triển điều chỉnh lại vô cùng thông minh, khi ghép nó chung với việc… chụp được cảnh đẹp. Chúng không nhiều và dày đặc như Horizon Forbidden West.
Các hoạt động lẫn tuyến nhiệm vụ về tổng quan đều mang tới cảm giác tận hưởng nhờ các phần thưởng độc lạ, đầy giá trị mà người chơi sẽ được nhận khi hoàn thành.
Giống vài game thế giới mở từ nhà Ubisoft như Far Cry 6 gần đây, trong Saints Row cũng hiện hữu các băng đảng trị vì trong khắp bản đồ: The Idols, Los Panteros và Marshall để gây khó người chơi.
Nếu như The Idols là những anh chị khoái các món đồ neon, trang bị dày đặc từ xe cộ tới cả phong cách chiến đấu với những món vũ khí khó lườm – như khả năng múa gậy thành vòng cánh quạt để né được đường đạn, thì nhà Los Panteros sở hữu các chiến xe to khủng và các anh “Tank” máu dai, với các đòn đánh hút máu người chơi nếu không cẩn thận.
Marshall thì hơi giống lực lượng hùng vệ của bản The Third khi là lực lượng vũ trang công nghệ cao cấp với các máy bay trên không, các loại súng hay tới cả các loại lính có khả năng tàn hình, bắn lén, v.v.
Nhờ có các quân thù đặc biệt, tương đối đa dạng nên buộc người chơi phải kỹ lưỡng trong tình huống gặp phải khi chiến đấu chứ không thể hành động tùy tiện được.
Về mảng chiến đấu, Saints Row cung cấp hàng loạt các kỹ năng khá đa dạng tuy hạn chế bằng việc chỉ được chọn vô 4 ô duy nhất. Các kỹ năng dần được nâng cấp thông qua các hoạt động hoặc hoàn thành nhiệm vụ.
Trong các trận chiến, vì không có hệ thống núp sau vật thể, người chơi buộc lòng phải động tay, động chân né đòn và bắn xả liên tục chủ động. Khác với bản trước có thể “spam” liên hồi đòn thế kết thúc thì trong Saints Row kỳ này, người chơi chỉ có thể chơi các đòn thế đặc biệt khi bị mất máu.
Tuy vậy, các trận giao chiến trong game luôn trong trạng thái dồn dập, hỗn loạn và trông cực kỳ đã mắt và vui “tay”. Người chơi cũng có thể gọi thêm đồng bọn ra hỗ trợ nếu thấy tình thế “gắt” quá.
Ngoài các kỹ năng chính, Saints Row cũng sở hữu các perk hỗ trợ như cho phép chạy nhanh hơn khi gần hết máu nhằm hồi phục để tránh “game over”, giảm sát thương từ các đòn cận chiến, v.v.
Nhắc tới dòng game Saints Row mà không nhắc tới hệ thống tinh chỉnh điên rồ thì quả thật là sai trái. Và tốt thay, phiên bản “reboot” vẫn kế thừa tinh hoa của dòng game.
Nội việc tạo nhân vật chính thôi mà đã ngốn biết bao nhiêu thời gian của người viết để tạo ra một nhân vật ưng ý. Thậm chí người viết còn thấy cộng đồng của Saints Row tạo hẳn nhân vật Punisher hay chàng chằn tinh Shrek bao bựa nữa!
Các tùy chỉnh chi tiết còn trải dài xuống từng chiếc xe như cho phép nâng cấp xe, chỉnh decals, chất liệu vân bề mặt, chỉnh từng sơn màu, phụ tùng đầu tới bánh xe, âm thanh phát ra. Hay các loại vũ khí bên cạnh nâng khả năng bắn lên một tầm cao mới thì còn có rất nhiều “skin” cho chúng thông qua việc khám phá trong bản đồ.
Cho nên về mảng tinh chỉnh này, ắt hẳn các fan dù “cứng” hay người chơi mới chắc chắn sẽ cực kỳ thích và không hề thất vọng với Saints Row!
Nhìn chung, tổng thể lối chơi hòa trộn với thế giới mở hấp dẫn của game cùng các tuyến truyện, nhiệm vụ và hoạt động thú vị, có phần điên rồ đã giúp người viết có được khoảng thời gian được “xả stress” rất nhiều trong Saints Row.
Việc game không quan tâm tới sự logic, tả thực hay tuân theo bất kỳ nguyên tắc nào trong lối thiết kế đã tạo được sự “đổi gió” lẫn điểm khác biệt cần có nếu bạn muốn tìm một game để xả sau những giờ làm việc mệt mỏi và vẫn đủ chiều sâu cần thiết.
BẠN SẼ GHÉT
NHIỀU TIỀM NĂNG CÒN BỎ NGỎ, KHÁ NHIỀU LỖI!
Như người viết từng đề cập gần đây với bài Destroy All Humans 2: Reprobed, Saints Row cũng đi theo một phong trào game đầy lỗi.
Người viết từng bị văng hẳn hơn… 10 lần mỗi khi thực hiện nhiệm vụ “Unto the Beach” trên PS5 trước khi may mắn tìm được một cách để vượt qua nó. Và chưa hết, số lần văng vì đang chiến đấu hăng say với hằng hà các hạt particle bay tung tóe vì trận chiến cam go, đầy hỗn loạn thi thoảng cũng xảy ra.
Đồ họa của Saints Row nhìn chung không xấu, đặc biệt là hiệu ứng ánh sáng vô cùng mãn nhãn, các địa điểm quan trọng chính được dựng hình bắt mắt ấn tượng, và hiệu ứng tương tác từ cây cỏ, hiệu ứng nước hay bắn cháy nổ ầm ầm rất thỏa đáng.
Tuy nhiên, tình trạng khung hình trồi sụt khi chơi ở chế độ đồ họa 1440p High Settings trở lên, là điều “diễn ra như cơm bữa”. Cho nên nếu người chơi muốn trải nghiệm tốt hơn mà hơi xấu đi chút thì có thể chơi ở chế độ 1080p hoặc 1440p performance cho thoải mái.
Vân bề mặt chất lượng thấp trải dài từ các nhân vật đi đường tới nhà cửa nhỏ. Đặc biệt tình trạng các vật thể đột nhiên xuất hiện do khả năng dựng cảnh xa không tốt của Saints Row mang lại sẽ khiến người chơi đôi lần khó chịu.
Tệ hơn là việc lính lác, xe cộ đôi lần bị… hất bay tứ tung một cách vô cớ hoặc người chơi cũng “bay” xuống thẳng lòng đất vì lỗi đồ họa. Trí thông minh nhân tạo của các nhân vật cũng vô cùng bất thường, không ổn định từ trong trận chiến với các băng đản hay của cả đồng bọn, tới phản ứng của người dân xung quanh khi người chơi tương tác.
Nếu như trong Destroy All Humans 2: Reprobed, hiện tượng hình chạy trước tiếng vẫn còn xảy ra cho dù ở bản vá (patch) mới nhất. Thì trong Saints Row, hiện tượng phụ đề chạy trước giọng hoặc ngưng chạy luôn trong các đoạn cắt cảnh là điều diễn ra tương đối thường xuyên. Cũng may hệ thống âm thanh, nhạc nền và lồng tiếng đủ tốt để gỡ gạc lại được trải nghiệm phần nào.
Bên cạnh phần trục trặc kỹ thuật của Saints Row, thì đáng tiếc thay thế giới mở của game lại có nhiều điểm còn bỏ ngỏ đầy tiềm năng chưa được “tới nơi tới bến”.
Giống thời điểm đầu ra mắt của Cyberpunk 2077, việc tạo dựng nên một thế giới chi tiết và đầy thu hút nhưng lại bỏ quên các chi tiết tương tác nhỏ vô tình lại mất đi cảm giác có sức sống hơn trong Saints Row, như cho phép ngồi ăn uống tại các quán, hay thậm chí chơi các trò chơi điện tử trên các máy điện tử thùng đặt rải rác tại các khu vui chơi.
Dẫu rằng người chơi vẫn nhìn thấy đó những hoạt động chi tiết như người dân sửa xe, chửi bới vì gây tai nạn giao thông, thấy các phản ứng do nhà máy mình đặt ra ảnh hưởng tới xung quanh (như khu vực chứa các thùng axit của mình), v.v. nhưng tất thảy đều diễn ra ở phía ngoài của môi trường. Vô tình chung lại tạo ra một sự hoang vu không đáng có trong thế giới của Saints Row.
Nền tảng cốt truyện thú vị, vui và đủ hấp dẫn nhưng không phải không có khuyết điểm, đó là cảm giác mọi thứ trông có vẻ vội vã. Chẳng hạn, ngoài nhân vật nữ Neenah có nhắc chút xíu về đời tư thì hầu hết các nhân vật còn lại đều bị giấu kín, kể cả nhân vật chính The Boss. Thật đáng tiếc vì hai thành viên còn lại đều có những giờ phút đáng giá trong tuyến nhiệm vụ của họ, nhưng để hiểu sâu hơn thì lại không có gì.
Có lẽ, quá trình phát triển của Saints Row có nhiều bất cập cho nên phần nào mọi thứ chưa thật sự trọn vẹn
Chưa kể, các đoạn hội thoại “bà tám” của họ cũng chỉ xuất hiện trong tuyến nhiệm vụ. Còn lại khi vi vu trong thành phố cùng các thành viên thì lại “im như hến”. Có phần tệ hơn so với cả Mass Effect Andromeda.
Nếu có phần nào ấn tượng về các phe phản diện của Saints Row thì có lẽ là ông trùm Atticus Marshall và một nhân vật khác mà người viết không muốn tiết lộ cho bạn đọc.
Còn lại, kể cả các nhân vật được cho là “máu mặt” bên băng The Idols đều không có ấn tượng nào sâu sắc cho người viết, điều này cũng diễn ra tương tự với các phe còn lại.
Có lẽ, quá trình phát triển của Saints Row có nhiều bất cập cho nên phần nào mọi thứ chưa thật sự trọn vẹn.