Chiến lược đầu tư từ các quỹ lớn
8 tháng đầu năm thị trường chứng khoán ghi nhận những khó khăn nhất định, song một số quỹ của Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) và Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) vẫn ghi nhận hiệu suất đầu tư dương.
Tại chương trình Bí mật đồng tiền số 38: “Triển” theo kỳ Vọng, phát sóng trên VTV Digital ngày 14/9, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc đầu tư, VCBF cho biết hiệu suất đầu tư trong 8 tháng các quỹ của VCBF nhìn chung khá tốt so với thị trường. Các quỹ lâu đời như BCF cũng chỉ ghi nhận giảm 2%, con số này là nhỏ hơn rất nhiều so với mức giảm 16-17% của VN-Index trong 8 tháng vừa qua. Quỹ có hiệu suất cao nhất là quỹ đầu tư tăng trưởng VCBF, chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa. Mặc dù bối cảnh thị trường kém lạc quan, nhưng quỹ vẫn đang ghi nhận suất sinh lời vào khoảng 2,6%.
Theo thông tin từ bà Nga, quỹ tăng trưởng được ra đời trong thời điểm các doanh nghiệp mà VCBF lựa chọn được thị trường định giá rất cao và đơn vị này đã phải kiên nhẫn chờ đợi thời gian rất lâu để có thể sở hữu được các cổ phiếu đó. Trong công thức thành công của quỹ còn có 3 yếu tố, đó là danh mục đa dạng, không tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu quá đắt và xác định đồng hành dài hạn cùng doanh nghiệp, không giao dịch liên tục.
“Trong thời gian vừa rồi chúng tôi nắm giữ những ngành giảm thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Chẳng hạn như ngành công nghệ thông tin có FPT hoặc các ngành tiêu dùng không thiết yếu như bán lẻ Mobile World (Thế giới di động – MWG), PNJ, hoặc Sabeco. Ngoài ra còn có REE, Biwase. Danh mục của chúng tôi rất đa dạng và các công ty có thể tăng trưởng dài hạn. Chẳng hạn như ngành dịch vụ chứng khoán, chúng tôi thấy định giá rất là cao rồi nên không nắm giữ nữa, hoặc những ngành như nguyên vật liệu sắt thép, năm ngoái đã được hưởng lợi rất lớn từ đà tăng của giá thép. Chúng tôi cũng đã giảm mạnh tỉ trọng ngành thép từ mức cao hơn so với chỉ số tham chiếu xuống mức dưới tham chiếu. Những ngành có biến động nhiều như ngân hàng hay bất động sản thì chúng tôi cũng nắm giữ ít hơn và chỉ nắm các cổ phiếu hàng đầu.
Ngân hàng thì chúng tôi nắm MBB, ACB hay Sacombank; bất động sản thì chỉ nắm Nam Long hay Vinhomes. Chúng tôi chỉ nắm giữ các công ty hàng đầu trong những ngành như thế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định chiến lược là mua và nắm giữ dài hạn, không mua đi bán lại nhiều. Chẳng hạn như cổ phiếu PNJ chúng tôi đã mua từ khi gần như là mới thành lập quỹ. Lúc đó có những tin tức rất là xấu trên thị trường và chúng tôi vẫn mua PNJ và nắm giữ từ đó đến bây giờ, tổng lợi nhuận đã tăng 7-8 lần.
Hiện nay, thị trường chứng khoán như chợ chiều. Không ai đi chợ chiều vì nghĩ thịt ôi rau ôi. Nhưng trong chợ không chỉ có rau mà nó còn có đồ gia dụng, giá trị nó vẫn thế. Thậm chí, với một số doanh nghiệp thì giá trị nó vẫn tăng lên, vẫn tạo ra lợi nhuận. Chúng tôi là những người tranh thủ chợ chiều nắm giữ các hàng hóa chất lượng ấy và khi chợ mở lại bắt đầu sôi động thì mọi người sẽ quan tâm đến các tài sản ấy đầu tiên và giá trị của chúng cũng sẽ được tăng lên”, Phó Tổng Giám đốc VCBF chia sẻ.
Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích Cổ phiếu Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) có chia sẻ, kinh nghiệm lớn nhất có thể học hỏi từ các quỹ đó là về cách nắm bắt các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, để qua đó có thể định giá cổ phiếu muốn mua tốt hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo phương pháp quản trị rủi ro từ các định chế kể trên để có thể tránh được các biến động mạnh của thị trường.
Ngành nào có thể “Triển” theo kỳ Vọng?
Về triển vọng các ngành nghề thời gian tới, bà Trang cho biết, “Thị trường bất động sản đã bắt đầu ngấm các chính sách, đã có sụt giảm về thanh khoản, đà tăng giá cũng đã bắt đầu chững lại.
Về nhóm đầu tư công, hiện tại, tốc độ giải ngân đầu tư công hơi chậm, 8 tháng đầu năm chỉ khoảng 25-30%. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng đầu tư công có thể được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Thường đầu tư công sẽ có chu kỳ 13 tháng tức giải ngân đến tháng 1 năm sau. Đó là một trong những yếu tố có thể xem xét đến các cổ phiếu đầu tư công. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu sắt thép, dầu đang giảm cũng là cơ hội tốt để các dự án đầu tư công có thể được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Các cổ phiếu lương thực hàng đầu như PAN, TAR hay LTG khi có các lo ngại về lạm phát cao, bất ổn về chính trị hay các bất ổn, thiên tai, trên thế giới thì đều tạo ra một kỳ vọng cho nhà đầu tư. Việt Nam cũng tự hào là một trong những nước đảm bảo về an ninh lương thực rất tốt. Khi các vấn đề đó nổi lên thì các doanh nghiệp đầu ngành sẽ thu hút được sự chú ý. Việc này không chỉ là những kỳ vọng, trên thực tế, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của PAN hay TAR cũng đã tăng rất là tốt. Kỳ vọng cả năm nay lợi nhuận cũng tăng tốt”.
Ông Thái Gia Hào, Chuyên gia Phân tích cao cấp, SSI Research tại chương trình cũng có chia sẻ thêm về ngành điện. Cụ thể, theo kịch bản tăng trưởng của dự thảo điện 8 thì từ nay đến 5 năm tới tăng trưởng GDP vẫn trên 6%, kịch bản lạc quan con số này có thể trên 7%. Tiêu thụ điện vẫn sẽ tăng trung bình khoảng 9% và vẫn là động lực cho các công ty điện. Trong ngắn hạn thì mùa đông năm nay, một số nhóm cổ phiếu thuộc ngành điện như thủy điện có thể sẽ có diễn biến khá tốt, vì hiện tại mực nước tại các hồ chứa đang ghi nhận khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.