Bắt nạt trên mạng xã hội: Nỗi lo thời công nghệ số

Bắt nạt trên mạng xã hội: Nỗi lo thời công nghệ số
Rate this post

Ganh ghét vì bạn giàu, xinh đẹp, học giỏi hơn mình; không đồng quan điểm yêu ghét một thần tượng nào đó hay đơn giản chỉ là nhìn “thấy ghét”… cũng có thể là “mồi lửa” thổi bùng lên những lời sỉ vả, bêu rếu, làm nhục nhau trên mạng xã hội (MXH) của giới  học sinh trong thời công nghệ số.



Bắt nạt trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và thể chất của học sinh. Ảnh minh họa: P.Liễu
Bắt nạt trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và thể chất của học sinh. Ảnh minh họa: P.Liễu

Bắt nạt trên MXH trong giới học sinh đang trở nên phổ biến. Không ít học sinh xem việc nói qua nói lại trên MXH là trò đùa, nên tha hồ “chém gió”. Nhưng từ những lần tranh luận đó đã dẫn đến mâu thuẫn rồi chì chiết, bêu rếu nhau trên MXH. Việc này gây không ít phiền toái, ấm ức, đau khổ cho các nạn nhân.

* Nỗi đau giấu mặt…

Giới trẻ hiện nay rất thích nhạc Kpop (nhạc pop Hàn Quốc). Em N.T.D. (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa), một học sinh lớp 9 cũng cùng sở thích này. D. hay lên mạng chia sẻ quan điểm cá nhân mình thích nhóm nhạc nữ Twice hơn nhóm nữ Blackpink, thích nhóm Stray Kids hơn nhóm BTS, trong khi một số bạn khác trong lớp lại thần tượng nhóm nhạc BTS và Blackping…

Ngay lập tức, chia sẻ của em D. bị một số bạn trong lớp, trường “ném đá” dữ dội bằng những bình luận gây sốc như: “Đồ không có não, não ngắn, não phẳng”, “Tai trâu nên không cảm được nhạc”… Một số bạn trong lớp còn đưa chuyện mẹ của D. làm nhân viên vệ sinh và một số hành động sơ hở của D. trong lớp lên MXH bêu rếu… khiến em bị tổn thương nên phải khóa tài khoản cá nhân một thời gian. Tuy nhiên sau đó, em vẫn bị một số bạn miệt thị, trêu ghẹo, thậm chí cô lập em trong lớp. D. tâm sự: “Đó là quãng thời gian ám ảnh nhất đời em…”.


Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), bắt nạt trên mạng là hình thức bắt nạt bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trên MXH, nền tảng nhắn tin, game… Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích gây sợ hãi, tức giận hoặc làm những người bị nhắm tới phải xấu hổ.

Chị N.T.H. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng bàng hoàng khi phát hiện ra con gái của chị (đang  học lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa) bị bạn bắt nạt trên MXH trong suốt thời gian dài. Mới đây, trong một lần thu dọn phòng học của con, chị H. phát hiện một số trang giấy với những lời lẽ đầy phẫn nộ “Sao chúng mày không chết hết đi!…”.

Chị H. cảm thấy lo lắng nên kiểm tra Facebook của con, phát hiện một tài khoản có nickname “Bọn não cá vàng” rất hay tương tác với tài khoản của con gái chị. Tìm đọc lại những comment trước đó, chị thấy tài khoản này đã gọi con chị là “đồ không cha” (vì vợ chồng chị H. đã ly hôn), “xinh đẹp thì sau này chỉ đi làm… kiếm tiền”, “đồ não cá vàng”…

Chưa dừng ở đó, những hình ảnh của con gái chị bị cắt ghép hoặc dùng app làm cho biến dạng, dị hợm… Lúc này chị mới hiểu vì sao thời gian qua, con chị hay buồn bực, chán đi học.

Chuyện học sinh bắt nạt nhau trên MXH ngày càng trở nên phổ biến khi nhiều em “sở hữu” điện thoại thông minh có kết nối mạng internet… Việc này thực sự có tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần của trẻ nhưng không ít phụ huynh chưa thực sự quan tâm.

* Bắt nạt trên mạng: Không hề là chuyện nhỏ

Trao đổi về thực trạng bắt nạt trên MXH, ThS tâm lý Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) cho biết, bắt nạt trên MXH không chỉ là cách khủng bố tinh thần nạn nhân mà con trở thành sự việc nghiêm trọng ngoài đời thực.

Hiện nay, tình trạng học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là trên MXH  Facebook, tiếp đến là các ứng dụng như: Zalo, Viber, Instagram, YouTube… Các hành vi bị bắt nạt trực tuyến thường là đăng tải những thông tin không có thực, những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương, gây hiểu lầm hoặc lấy những khuyết điểm ngoại hình của người khác ra chế diễu hoặc cố tình tạo ra câu chuyện “bóc phốt” người mình không ưa thích…

Theo ThS Nguyễn Công Bình, với học sinh khi bị bắt nạt trên MXH thì không nên phản hồi những bình luận, bài viết tiêu cực trong những giai đoạn căng thẳng vì chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng. Thay vào đó, các em có thể rời nhóm hoặc chặn những tài khoản xấu để tránh nhìn thấy thêm những lời lẽ xúc phạm. Chỉ nên tham gia các hội nhóm chia sẻ những điều tích cực, tốt đẹp, có lợi cho học tập và cuộc sống.

“Với phụ huynh, nếu phát hiện con mình đang bị bắt nạt nên gần gũi, lắng nghe và chia sẻ cùng con. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm hiểu ai đang bắt nạt con mình. Nếu là bạn bè trong lớp, có thể trao đổi với giáo viên hoặc cha mẹ của các em đó để tìm cách giải quyết. Nếu là người lạ trong các hội nhóm, yêu cầu con rời nhóm hoặc báo cáo với các quản trị viên. Nếu gặp những đối tượng nguy hiểm hơn, cha mẹ nên can thiệp thông qua việc báo với các cơ quan chức năng để tránh những hậu quả đáng tiếc” – ThS Bình khuyến cáo.

Phương Liễu

.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *