Soulstice – Đánh Giá Game

Soulstice - Đánh Giá Game
Rate this post

Soulstice – Ngày trước, khi PS2 còn “làm mưa làm gió” trên thị trường game, vào cái thời mà được ví như “giai đoạn vàng” xuyên suốt mọi thế hệ của cỗ máy này, thì đã từng có một dòng game rất thịnh hành, gọi đơn thuần là game hành động “chặt chém” Hack’n’Slash với những cái tên nổi trội như Devil May Cry, Onimusha hay tượng đài lừng lẫy God of War của Sony. 

Khi ấy, một phần vì công nghệ còn hạn chế nên các tựa game này có thiết kế màn chơi rất tuyến tính và góc nhìn luôn bị khóa cố định, còn trong chiến đấu thì người chơi chỉ cần tập trung kết hợp nhuần nhuyễn các combo nút bấm thật “sướng tay” để “làm gỏi” đối phương là đủ, chứ không cần quan tâm gì đến đường “build” hay các chỉ số trạng thái nhân vật ở các thể loại game khác.

Theo thời gian, khi khái niệm “thế giới mở” bắt đầu thịnh hành cùng sự xuất hiện của dòng game hành động nhập vai Soulsborne với tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn, thì phong cách Hack’n’Slash truyền thống cũng dần mất đi vị thế vốn có và phải lùi về sau ánh hào quang, ẩn thân trong các tựa game indie có quy mô nhỏ.

Hiện tại, rất ít hãng game tầm trung (AA) nào trở lại mà dám mạo hiểm thử nghiệm các thương hiệu đi theo phong cách này.  

Thế nên người viết không khỏi tò mò khi hay tin Reply Game Studios, một đội ngũ nghe còn khá “lạ” đến từ đất nước Ý, công bố tựa game mang tên Soulstice với những đoạn trailer đậm chất “Hack’n’Slash”, gợi nhớ nhiều đến các tựa game hành động huyền thoại ngày xưa của Capcom hay Bayonetta của Platinum Games. 

Nhưng “của lạ” thì chưa chắc là “đã ngon”, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem liệu Soulstice có gặt hái được thành công và giải hạn “cơn khát” của các tín đồ Hack’n’Slash hay không, qua bài viết sau bạn nhé! 

BẠN SẼ THÍCH

Những trải nghiệm “lạ” mà lại rất “quen”

Soulstice xoay quanh một đề tài “muôn thuở” về cuộc chiến ngàn xưa giữa thế lực Hỗn Mang tà ác với các vị cổ thần. Khi Hỗn Mang đã ngày càng trở nên lớn mạnh vượt khỏi tầm kiểm soát, nhân loại dưới sự nhờ cậy của thần linh đã tìm cách để kết hợp hai linh hồn vào cùng một thể xác, tạo ra những thế hệ chiến binh cực kỳ hùng mạnh gọi là Chimera hòng thay đổi cục diện cuộc chiến.

Và câu chuyện đưa người chơi theo chân hành trình của một Chimera gồm hai chị em Briar và Lute đến vùng đất Ilden đầy tăm tối.

Ngay từ mở đầu, Soulstice có khá nhiều nét tương đồng với tựa game Bayonetta 2 khi đưa ta đến một thời điểm bất định nào đó trong tương lai, đối chọi một tên trùm cùng hàng tá quân địch với đầy đủ kỹ năng và toàn bộ các vũ khí để tha hồ trải nghiệm và “làm nóng” trước khi được đưa về với hiện tại.

Lối chơi của Soulstice cũng vay mượn rất nhiều yếu tố của tựa game Devil May Cry 5, điển hình nhất là kẻ địch chỉ xuất hiện ở vài địa điểm cố định chứ không nằm rải rác trên đường đi. Và khi mỗi trận đánh diễn ra thì không gian xung quanh bị “khóa lại” như một chiếc hộp kín, chỉ kết thúc khi đối thủ cuối cùng đã bị tiêu diệt. Lúc này một bảng điểm cũng sẽ hiện lên và xếp hạng nhiều cấp độ dựa trên thành tích đạt được của người chơi trong trận đánh đó.

Thêm nữa, tài nguyên chính trong game cũng là các loại tinh thể có màu sắc khác nhau thu thập được sau khi đánh bại kẻ thù, khai quật từ các quặng mỏ dọc đường đi hay hoàn thành các thử thách đằng sau mỗi cánh cửa bí mật và được dùng để trao đổi mua bán vật phẩm, mở khóa thêm kỹ năng mới của cả hai nhân vật thông qua một NPC có tên gọi Layton, The Observer (tương tự Nico trong Devil May Cry 5).

Briar sẽ sử dụng chính hai loại vũ khí được điều khiển kết hợp bằng hai nút bấm, giúp thi triển nhiều combo với tiết tấu nhanh gọn và đẹp mắt, còn Lute thì có vai trò giống như là tấm khiên hay chức năng phản đòn (Parry) nhiều hơn, dù thỉnh thoảng cô cũng hỗ trợ tấn công từ xa và làm gián đoạn đòn đánh của kẻ địch. 

Khi kết hợp combo cận chiến với các kĩ năng đánh chặn của Lute càng nhuần nhuyễn mà không bị trúng đòn của đối phương thì một thanh năng lượng gọi là Unity sẽ càng được lắp đầy và có thể giúp người chơi tung ra các tuyệt kỹ diện rộng Synergy Attacks có mức sát thương cao và rất mãn nhãn!

Về sau người chơi sẽ “mở khóa” được thêm nhiều loại binh khí với công năng và cách thi triển khác nhau như cung, bao tay hay thậm chí là cả súng cannon đeo tay. Mỗi loại vũ khí sẽ mở ra thêm các kỹ năng mới có thể học được.

Tâm điểm của Soulstice phải kể đến những trận đánh trùm, tuy số lượng không thật sự nhiều nhưng phần lớn đều để lại ấn tượng cho người viết với thiết kế các con trùm đặc trưng và lối đánh “dị”, khác biệt rất rõ ràng so với phần đông kẻ thù còn lại.

Bối cảnh Trung cổ đậm chất huyễn tưởng đen tối (dark fantasy) với bầu không khí u ám pha trộn cùng các tông màu lạnh của Soulstice và nhân vật Briar được thiết kế với bộ giáp đen gai góc làm người viết liên tưởng nhiều đến bộ manga huyền thoại Berserk của cố họa sĩ Kentaro Miura.

Tâm điểm của Soulstice phải kể đến những trận đánh trùm, tuy số lượng không thật sự nhiều nhưng phần lớn đều để lại ấn tượng cho người viết với thiết kế các con trùm đặc trưng và lối đánh “dị”

BẠN SẼ GHÉT

Thiết kế màn chơi lỗi thời

Sau khi trải qua vài chương đầu thì cũng là lúc giai đoạn “trăng mật” dần kết thúc, người viết bắt đầu cảm nhận sự nhàm chán bộc lộ ra ở Soulstice.

Ngoài bến cảng đầu tiên khá lộng lẫy thì càng đi sâu vào các khu vực bên trong, Soulstice càng “đuối” về khâu xây dựng, thiết kế môi trường khi bố cục bị trùng lặp rất nhiều. 

Không thể kể xiết bao nhiêu lần người viết cảm thấy lạc lối hay lầm tưởng đang bị đi ngược về những địa điểm cũ trước đó nhưng thực ra không phải, do cảnh quan và mọi thứ xung quanh bị lạm dụng công thức “cắt” và “dán” một cách thái quá đến mức phải gọi là cẩu thả! 

Giá trị chơi lại cũng game cũng không cao khi không có quá nhiều thứ để người chơi “mày mò” khám phá, ngoại trừ việc cày “rank” nhưng cũng chả mang lại lợi ích nào đáng kể.

càng đi sâu vào các khu vực bên trong, Soulstice càng “đuối” về khâu xây dựng, thiết kế môi trường khi bố cục bị trùng lặp rất nhiều


Nhiều cơ chế gây khó chịu!

Trong chiến đấu, ngoài hai nút tấn công cơ bản và một nút né tránh thì Lute còn có khả năng kích hoạt một trong hai trường năng lượng màu xanh đỏ tương ứng với tên gọi Evocation hay Banishment, chúng giúp phát hiện và công kích các loại quái vật đặc trưng khác nhau nhưng trên thực tế thì việc sử dụng tính năng này thường xuyên dẫn đến rất nhàm chán, thậm chí nếu có bỏ đi thì cũng chả ảnh hưởng gì tới cách chơi của game cả.   

Soulstice cũng có những màn giải đố (puzzle) được lấy cảm hứng từ lối mở cổng tìm đường của các tựa game God of War kinh điển ngày xưa nhưng gần như chỉ được thêm vào gọi là “cho có”, chứ không mang lại tính thử thách hay cảm giác phấn khích khi tìm ra đáp án nào cả, ngược lại nhiều lúc còn khiến người chơi cảm thấy phiền toái nhiều hơn. 

Soulstice

Điển hình như các khu vực phải vận dụng những kỹ năng “platform” vượt chướng ngại như nhảy thềm, leo trèo vừa không chỉ thiết kế thiếu sáng tạo, nhạt nhẽo mà còn đơn thuần là bắt người chơi cứ phải chuyển qua, chuyển lại giữa các nút bấm bật-tắt hai trường năng lượng đỏ và xanh tới phát ngán!

người chơi cứ phải chuyển qua, chuyển lại giữa các nút bấm bật-tắt hai trường năng lượng đỏ và xanh tới phát ngán!


Soulstice

Thiếu chiều sâu…

Công bằng mà nói, phải dành lời khen cho đội ngũ phát triển khi Soulstice có hiệu năng ổn định trên nền tảng engine Unreal và game cũng có cơ chế chiến đấu rất “cháy”, cùng những phân đoạn cắt cảnh hấp dẫn nhưng đáng tiếc là hầu như ở các khía cạnh còn lại như cốt truyện, âm nhạc hay diễn hoạt thì đều không để lại được ấn tượng gì.

Xuyên suốt nhiều tiếng đồng hồ, người viết vẫn không thể “cảm” được sự gắn kết hay tương quan nào giữa hai nhân vật chính Briar và Lute, ngoài những câu thoại có phần sáo rỗng và cụt ngủn. 

Dù tựa game được quảng bá khá nhiều rằng “có thể điều khiển hai nhân vật cùng một lúc” nhưng những gì người chơi cần làm với Lute chỉ là bấm một nút mỗi khi có tác vụ yêu cầu để cô tác động đến đối phương bằng những chiêu phép như làm chậm mục tiêu hoặc phản đòn mà thôi.

Soulstice

Cuối cùng, dù góc nhìn cố định của game có mang lại những giá trị hoài cổ nhưng do cách đặt camera quá gần chủ thể và gần như không thể xê dịch gì mấy ở cả những khu vực rộng, khiến các cuộc chạm chán với số đông quân thù rất dễ bị ức chế, đặc biệt là về sau khi các đối thủ có khả năng công kích từ tầm xa xuất hiện mỗi lúc một nhiều. 

đáng tiếc là hầu như ở các khía cạnh còn lại như cốt truyện, âm nhạc hay diễn hoạt thì đều không để lại được ấn tượng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *