Điều đáng nói, các công ty sử dụng lao động trái phép này lại dùng chính các nạn nhân để câu thêm “con mồi” thông qua mạng xã hội như zalo, facebook… Các đối tượng lừa đảo nhắm tới nhóm nạn nhân ở độ tuổi thanh, thiếu niên, bởi đây là nhóm tuổi dễ bị kích động, có mong muốn tìm được các công việc có thu nhập cao.
Dụ dỗ bằng “mật ngọt”
Chỉ ngồi làm việc trên máy tính với những công việc nhẹ nhàng, mức lương nhận được lên tới 20 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn là những lời mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để thu hút “con mồi”. Thông qua mạng xã hội, công việc và mức thu nhập “trong mơ” đã nhanh chóng khiến nhiều nạn nhân tin tưởng, rơi vào “cái bẫy” đang chờ sẵn của các đối tượng lừa đảo.
Em Y.L (nạn nhân tại xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) kể lại: Em đang làm việc tại Bình Dương, một người lạ đã vào kết bạn với em trên facebook. Sau đó, người này giới thiệu công việc làm app game tại Campuchia cho em với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Em đã tin tưởng và đồng ý đi làm luôn. Khi sang tới nơi, em mới biết là không như quảng cáo.
Theo Y.L, em phải làm việc từ 13 -16 giờ/ngày, chưa kể thời gian tăng ca. Thông qua các app nạp tiền vào game, em phải tìm cách lôi kéo, dụ dỗ người chơi tại Việt Nam nạp tiền. Thậm chí, để đạt được mục đích, các công ty sử dụng lao động trái phép đã yêu cầu Y.L phải tìm cách khiến người chơi có tình cảm sâu đậm với em thông qua các hệ thống gọi điện video. Khi đã có tình cảm, người chơi sẽ dễ dàng nạp tiền vào các app game.
Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua khai thác thông tin từ những nạn nhân có thể xác định, các đối tượng đã dùng thủ đoạn mời chào quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao tại Campuchia. Nhưng khi sang đến Campuchia, các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, cưỡng bức làm việc…
Trở lại vụ án 7 nạn nhân tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị lừa sang làm việc trái phép tại Campuchia. Sau khi đưa các nạn nhân trở về, Ban chuyên án của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Gia Lai đã xác định đối tượng Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) là mắt xích quan trọng trong đường dây tổ chức, lừa đảo người khác xuất cảnh trái phép để cưỡng bức, bóc lột lao động.
Khai nhận tại cơ quan chức năng, Quyết cho biết, giữa tháng 6/2022, đối tượng sử dụng nickname “Bin Trần” trên mạng xã hội facebook rồi đăng bài lên nhóm “Người Việt Nam – Campuchia” với nội dung “Bên công ty em đang tuyển nhân viên làm bên sale (tư vấn chăm sóc khách hàng) lương từ 18 – 20 triệu đồng/tháng, chưa tính hoa hồng, bao ăn, ở và có xe đưa đón tại công ty, làm việc tại cửa khẩu Tây Ninh”. Nhờ lời mời gọi hấp dẫn này, Quyết đã đưa được 7 nạn nhân tại làng Kloong sang Campuchia làm việc trái phép. Điều đáng nói, Quyết không chỉ là đối tượng lừa đảo mà còn chính là nạn nhân của bẫy “việc nhẹ, lương cao”. Tháng 4/2022, Quyết sang Campuchia làm việc tại một sòng bài. Khi không hoàn thành chỉ tiêu được giao, đối tượng này đã bị đánh đập, chích điện, bỏ đói. Sau khi vi phạm nội quy và nợ công ty số tiền 110 triệu đồng, Quyết được hướng dẫn nếu tuyển được lao động từ Việt Nam sang sẽ được trả công 700 USD/người.
Thông qua trường hợp của Trần Quang Quyết, có thể thấy thủ đoạn tinh vi của các công ty sử dụng lao động trái phép tại Campuchia chính là hô biến “con mồi” trở thành “kẻ đi săn”. Khi đường dây đưa người vượt biên trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, chỉ có “kẻ đi săn” bất đắc dĩ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam.
Nhắm đến nhóm lao động trẻ tuổi
Theo thống kê, các nạn nhân của bẫy “việc nhẹ, lương cao” tại Tây Nguyên đều có tuổi đời khá trẻ; thậm chí, nhiều nạn nhân chưa đủ tuổi lao động. Đơn cử, trong 7 nạn nhân ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), Puih Ph. nhỏ tuổi nhất (16 tuổi), lớn nhất là Puih Th. (28 tuổi); nạn nhân Y.L ở xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng mới 16 tuổi; em P.H.N (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) 17 tuổi; 7 lao động tại huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông bị lừa sang Campuchia làm việc trái phép có tuổi đời từ 16 – 18 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum phân tích: Tâm lý của lao động trẻ tuổi thường nhẹ dạ, cả tin, không vững vàng, kiên định với công việc; dễ bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những lời mời gọi hấp dẫn theo kiểu “việc nhẹ, lương cao”; dễ tin và nghe theo lời nói của bạn bè nhưng không có sự kiểm chứng. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động trẻ tuổi có tâm lý thích tự do, không muốn bị gò bó bởi quy định của các công ty trong nước nên khi nhận được lời mời gọi làm việc nhẹ nhàng, không bị áp lực dễ dàng nghe theo.
Trường hợp của em Y.L (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là một ví dụ. 16 tuổi, Y.L mượn Chứng minh thư nhân dân của người khác để làm giả hồ sơ đủ tuổi lao động, cùng với các anh chị trong làng đi làm việc tại Bình Dương. Không lâu sau đó, em đã nghe theo lời mời gọi để sang làm việc trái phép tại Campuchia. Một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mong muốn tìm được công việc có thu nhập cao để phụ giúp cha mẹ nhưng không thể phủ nhận tâm lý lứa tuổi có những tác động không nhỏ đến những quyết định của em.
Trường hợp của em B.H.H (huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông), do nghe bạn xúi giục sang Campuchia làm việc nhàn hạ, chỉ cần biết gõ máy tính, lương mỗi tháng 20 triệu nên đã giấu bố mẹ để đi. Em P.H.N (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) mới 17 tuổi nhưng đã tự chủ động lên mạng xã hội facebook để tìm kiếm việc làm. Với độ tuổi còn trẻ, tâm lý chưa vững vàng, các em dễ dàng trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Nga đề nghị, ơ độ tuổi này, các bậc phụ huynh cần quan tâm, sâu sát, tìm hiểu và chia sẻ tâm lý với các em, nhất là lứa tuổi đang có nhu cầu tìm việc làm. Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân, người có nhu cầu tìm việc làm hiểu và cảnh giác cái gọi là “việc nhẹ – lương cao”.
Bài cuối: Nâng cao nhận thức, tạo việc làm – giải pháp căn cơ