Tín dụng ngân hàng đang được nhiều người quan tâm. Mới đây, ngân hàng nhà nước đã thay đổi lại room tín dụng cho các đơn vị tài chính cũng như ngân hàng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết ngay bạn nhé!
Room tín dụng là gì?
Room được sử dụng trong lĩnh vực tài chính với ý nghĩa là phạm vi. Room tín dụng là hạn mức cho vay của ngân hàng về một lĩnh vực nào đó.
Ví dụ, Ngân hàng HDBank có vốn chủ sở hữu khoảng 4000 tỷ, thì Room cho vay 1 khách hàng tại ngân hàng này sẽ là 4000*15% = 600 tỷ. Đó là giới hạn cho 1 khách hàng có thể được vay. Như vậy là Room đó đã hết, khách hàng đó sẽ không thể vay trên 600 tỷ.
Vậy nếu khách muốn vay với số tiền lớn hơn 1000 tỷ thì sao? HDBank và 1 vài ngân hàng khác sẽ tiến hành “hợp vốn” để có room nhiều hơn cho 1 khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn.
Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam
Tăng trưởng tín dụng hệ thống không đều, Ngân hàng Nhà nước quyết định phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu.
Thông báo này đã được Ngân hàng Nhà nước gửi tới các tổ chức tín dụng ngày hôm qua (29/11).
Đến tháng 7, cơ quan quản lý đã phân bổ hạn mức tín dụng với tổng tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng qua, tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, hấp thụ vốn và cầu tín dụng còn yếu nên đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. “Mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, một số thấp, thậm chí tăng trưởng âm”, báo cáo Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu này từ ngân hàng không sử dụng hết sang các nhà băng cần được tiếp tục mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chung trong năm 2023 vẫn giữ nguyên chỉ tiêu đã xác định từ đầu năm (14,5%).
Việc phân bổ lại tính theo mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm và xếp loại. Trong đó, các ngân hàng có tăng trưởng đạt đến 80% sẽ được bổ sung hạn mức tín dụng trên cơ sở xếp hạng năm 2022, ưu tiên thêm cho những tổ chức tập trung tín dụng các lĩnh vực ưu tiên và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp.
“Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Tăng room tín dụng
Tính tới cuối quý III, bức tranh tín dụng chung của hệ thống ngân hàng cũng cho thấy sự phân hóa. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, các nhà băng tăng trưởng tín dụng đều ở mức một con số. Vietcombank trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng khoảng 4%, BIDV và VietinBank ở mức 9%.
Trong khi đó, các nhà băng tư nhân có mức tăng cao hơn đáng kể. Ngân hàng mẹ VPBank có dư nợ cho vay đến cuối quý III là hơn 454.000 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Cho vay khách hàng của MB đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 16%. Một số nhà băng khác như Techcombank, LPB, HDBank hay SHB cũng tăng tín dụng trên 10%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tiếp tục được yêu cầu cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro. Cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ “tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản”.