Ngày 9/9 vừa qua Chi Pu vừa cho ra mắt ca khúc có tên “Sashimi” và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, nhà đài quốc gia VTV đã chính thức “gọi tên” ca khúc này trên sóng.
Cụ thể, trong chương trình Góc nhìn văn hoá được phát sóng trên kênh VTV1 với chủ đề : “Xoá bỏ ca khúc phản cảm, dung tục : Quyền lực trong tay khán giả”. Dù không nhắc thẳng tên nhưng ai cũng biết nhà đài đang nhắc tới Chi Pu như một ví dụ điển hình. Biên tập viên chương trình đã đưa ra thông tin về “ca sĩ” này như sau:
“Cô gái này lần nào tung ra sản phẩm âm nhạc cũng gây bão dư luận nhưng đáng tiếc không phải khen mà là những bình luận tiêu cực.
Nhiều nhà báo chuyên mảng âm nhạc đã nhận định đây là một video ca nhạc gợi dục, phản cảm với ca từ dung tục, sáo rỗng. Không ít nhạc sĩ đã phải thốt lên: ‘Đây là rác’”.
Không chỉ lời bài hát mà hình ảnh trong video cùng với những vũ đạo cũng được cho là khá nhạy cảm. Về phần lời, bài hát “Sashimi” như một lời của cô chủ quán sashimi với các câu từ “mời chào” như : “Phòng em thì hơi khó tìm, phải lên tầng 3 rẽ phải đến 3 lần. Mời anh mở cửa bước vào, anh thấy thế nào…” hay “Anh thích đồ hấp thì có thể gọi mushi , anh thích ăn tươi nuốt sống thì…” và sau đó là kèm tiếng cười đầy ẩn ý của Chi Pu.
Cách đây một tháng Chi Pu cũng từng ra mắt ca khúc có tên “Black Hickey” với hàng loạt phân cảnh sexy, táo bạo nhưng ekip không gắn nhãn 16+. Tuy nhiên, không lâu sau đó video này đã được gỡ xuống mà không có lời giải thích nào từ phía Chi Pu. Trước hàng loạt chỉ trích, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền – người sáng tác ca khúc này cũng lên tiếng rằng bài hát này được viết với mục đích giải trí chứ không có ý nghĩa gì: “Nói nôm na đây là một bài hát ‘tả thực’ chứ không có ý nghĩa đạo lý gì sâu xa.”
Trước Chi Pu, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đã từng bị yêu cầu xử phạt bởi nội dung, hình ảnh sản phẩm không phù hợp. Điển hình như Sơn Tùng M-TP phải nộp phạt 70 triệu do hình ảnh trong MV There’s no one at all có hình ảnh cổ xuý tự tử. Hay rapper Chị Cả có sáng tác trái thuần phong mỹ tục cũng đã đóng phạt 35 triệu đồng… Ngoài ra, cũng còn rất nhiều trường hợp vi phạm và không đúng nghĩa là “nghệ thuật chân chính”. Nhiều người cũng không hiểu vì sao những video như vậy lại thu hút rất nhiều lượt xem, lên đến cả vài triệu. Điều đó không chỉ đang “cổ súy” cho những sản phẩm “rác” mà còn khiến những người làm nghệ thuật chân chính cảm thấy bất lực.
Một nhà báo trong chương trình cũng bày tỏ quan điểm: “Nhiều ca sĩ tạo ra sản phẩm, họ biết sẽ có tranh cãi nhưng họ chấp nhận, miễn làm sao sản phẩm của mình gây được chú ý. Có vẻ như với nhiều ca sĩ thì hình thức xử phạt hiện tại chưa phải hình thức răn đe lớn nhất đối với họ, có người bị xử phạt rồi vẫn tái hiện lại.”
Kết lại chương trình, biên tập viên cũng cho biết: “Âm nhạc là sáng tạo, có thể có những lối đi riêng trong thủ pháp nghệ thuật, phong cách, trào lưu nhưng sẽ không ai dung túng cho những sản phẩm đi ngược lại với chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội được gắn mác sáng tạo. Công chúng cũng đang nắm trong tay quyền lực mềm, đó là tẩy chay.”
Xem thêm: Vượt Jeff Bezos, tỷ phú châu Á trở thành người giàu thứ 2 thế giới