Trong lá thư của một người cha ở Trung Quốc có viết rằng: “Thời gian trôi nhanh quá, con đã bước vào năm cuối của trường cấp 2. Chắc hẳn lúc này tâm trạng của con rất phức tạp.
Dù là lo lắng hay hồi hộp, bố đều hiểu. Bước vào cấp 3 đồng nghĩa với việc phải đối mặt với kỳ thi tuyển sinh đại học. Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời, vì thế bố có nhiều điều muốn nhắn nhủ tới con.
Ảnh minh họa.
1. Con à, bố biết rằng việc học rất vất vả. Mỗi ngày còn phải học rất nhiều kiến thức toán, lý, hóa, sử, địa… nhưng sau cùng con sẽ nhận thấy, đây là một chướng ngại mà mình cần vượt qua.
Để bố kể cho con nghe về kinh nghiệm của mình nhé!
Bố cũng từng là một gã lông bông, lười học, mê game, gian lận thi cử, nghiện tiểu thuyết võ hiệp. Vào năm lớp 11, bố còn thích một cô bạn học giỏi nhất lớp, còn lấy hết can đảm để tỏ tình nữa.
Tất nhiên, cô ấy làm sao mà chấp nhận một người như bố lúc đó được cơ chứ. Cô ấy dứt khoát từ chối và khinh bỉ nói: Nếu cậu cứ mãi như thế này, cuộc đời về sau sẽ chẳng làm nên trò trống gì.
Nghe những lời như vậy, lòng tự trọng của bố bị tổn thương và bắt đầu lao đầu vào học tập.
Lúc đó, mỗi ngày bố đều thức dậy trước lúc bình minh, học quần quật từ sáng tới tối, chẳng có 1 phút nghỉ ngơi.
Bây giờ khi nhớ lại khoảng thời gian chăm chỉ đó, bố thực sự rất biết ơn. Cuối cùng, từ 1 đứa dốt nhất lớp đã vươn lên đứng đầu, còn đậu vào trường đại học top đầu.
2. Sau khi vào đại học, mọi thứ ở đây khác biệt hoàn toàn so với trường cấp 3. Mọi người thường nói lên đại học sẽ thấy thoải mái lắm, học dễ dàng lắm. Nhưng không khí học tập tại trường của bố lại mạnh mẽ vô cùng.
Vì học trong ngôi trường top đầu nên bố hiếm khi thấy bạn bè trốn tiết hay ngủ gật trong lớp. Thầy cô trên bục giảng say mê giảng bài, bên dưới học sinh chăm chú nghe giảng, hăng hái đặt câu hỏi.
Sau khi tan lớp, bố hiếm thấy ai ngồi cắm mặt chơi game trong ký túc xá, thư viện trường sáng đèn tới tận khuya.
Khi đó, bạn cùng phòng của bố là một người cực kỳ xuất sắc. Cậu ấy rất nghiêm khắc với bản thân, không chỉ giỏi chuyên ngành của mình mà còn quan tâm tới văn, sử, triết.
Cậu ấy sắp xếp thời gian biểu cực kỳ chi tiết, sáng dậy lúc 6 giờ đọc báo tiếng Anh, sau đó nghiên cứu trong thí nghiệm suốt cả buổi sáng, nghe các bài giảng hàn lâm vào buổi chiều, đọc thơ cổ và sách vào buổi tối để hoàn thiện bản thân một cách toàn diện.
Sau này ra trường, cậu ấy được Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ cấp học bổng toàn phần cao học.
Bố vô cùng ngưỡng mộ cậu bạn này. Dưới sự ảnh hưởng của người bạn cùng phòng, bố cảm thấy rất xấu hổ về bản thân. Tâm lý tự ti dần dần biến mất, bố bắt đầu tự động viên mình cố lên.
3. Trước đây, bố coi thường mấy người học giỏi lắm, cho rằng họ đều là những kẻ mọt sách chỉ biết học. Sau đó, bố nhận ra rằng, những sinh viên đứng đầu các trường nổi tiếng không chỉ học giỏi mà còn có nhiều tài năng đáng kinh ngạc.
Học tập và trưởng thành trong một môi trường như vậy, bố vô thức muốn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Không ít lần bố như nhốt mình trong thư viện, đắm chìm trong đại dương kiến thức. Lúc đó, bố để ý có một bạn nữ ngồi đối diện mình, thường cầm trên tay cuốn sách về lịch sử, văn hóa. Cô ấy còn đọc các tác phẩm học thuật bằng tiếng anh, cách cô ấy cuối cùng đọc sách trông hấp dẫn vô cùng.
Cô ấy ăn nói lịch sự, trí tuệ đỉnh cao, hiểu biết uyên thâm. Bố mạnh dạn làm quen với cô ấy.
Khi còn học cấp 3, bố cứ nghĩ yêu nhau là tìm được 1 người đi ăn cùng mình, cùng chơi game, nói chuyện. Thế nhưng, khi yêu 1 cô gái học giỏi, bố mới biết thế nào là một tình yêu đẹp.
Động lực tự thân của cô ấy truyền cảm hứng sâu sắc cho bố. Mỗi ngày, bố và cô ấy cùng nhau đọc sách, nói về thế giới, về quá khứ, hiện tại, tương lai…
Có một câu nói rằng, mối quan hệ thực sự không nằm ở bạn và tôi, mà là sự tiến bộ và trưởng thành cùng nhau.
Sau này, cô ấy trở thành mẹ của con và bản thân bố cũng đủ xứng đôi với mẹ con về cả tài năng lẫn sắc đẹp.
Từ đó, bố tin rằng chỉ khi tiếp xúc với người giỏi, bạn mới có thể tiến bộ hơn.
4. Có người nói rằng, thành công trong cuộc sống không phải lúc bắt đầu, không phải lúc kết thúc mà là ở những bước ngoặt.
Đối với bố, bước ngoặt cuộc đời là những năm trước kỳ thi tuyển sinh đại học, khi bố buộc mình phải vào một trường tốt.
4 năm đại học của bố thực sự tiến bộ rất thần tốc, tất cả điều này là nhờ bố có một nhóm bạn giỏi giang. Chẳng hạn bác Vương của con là người có tên tuổi lớn trong ngành xây dựng, dì Trương là người có tiếng nói trong giới tài chính… Nói trắng ra họ là một vòng kết nối mạnh mẽ đối với bố.
Khi bước chân ra xã hội, con sẽ hiểu rằng chỉ khi ép mình vào một ngôi trường tốt, con mới có cơ hội sánh bước cùng những người xuất sắc.
Khi ở trong một môi trường mà những người xung quanh con đều xuất sắc, con sẽ tự nhiên được thúc đẩy để phát triển. Sức mạnh này là động lực mạnh mẽ bên trong. Nó sẽ thúc đẩy con tiếp tục tiến về phía trước.
5. Có câu nói: ‘Một người đi bao xa phụ phụ vào việc họ đi cùng với ai. Một người giỏi như thế nào tuỳ thuộc vào người hướng dẫn. Thành công của một người là tùy thuộc vào việc người đó đồng hành cùng ai’.
Theo bố, tiêu chí để đánh giá một trường tốt không nằm ở những tòa nhà nguy nga hay cơ sở vật chất mới và đầy đủ, mà ở bầu không khí của nó hình thành tinh thần của con người.
Khi bạn ở bên những người siêng năng, bạn sẽ không thể lười biếng.
Khi bạn ở bên những người tích cực, bạn ngày càng trở nên lạc quan hơn.
Khi ở bên những người hàng đầu, bạn cũng sẽ trở nên tuyệt vời.
Tầm ảnh hưởng của một tập thể xuất sắc rất có lợi cho cuộc sống. Khi con nhìn thấy những người bạn cùng lứa với mình giỏi giang, con sẽ thức tỉnh và nản sinh tâm lý muốn cố gắng hơn. Con sẽ muốn giống như họ, trở nên mạnh mẽ và giỏi giang hơn.
Khi nhảy ra khỏi một vũng nước nhỏ và bước vào một hồ nước lớn hơn, con sẽ khám phá ra một thế giới khác.
Cuối cùng, khi “đẩy” mình vào một trường học tốt, con sẽ hiểu: Điều may mắn nhất trong cuộc sống là được làm việc với những người xuất sắc, nhờ họ để tạo ra một phiên bản tốt hơn của chính mình”.