ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng TikTok, đang cắt giảm và điều chuyển nội bộ hàng trăm lao động làm ở các studio phát triển game. Điều này cho thấy ByteDance dường như cũng đang dần từ bỏ mảng kinh doanh game, lĩnh vực gặp khó khi bị chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định.
Theo thông tin mà tờ South China Morning Post thu thập được từ các nguồn tin thân cận, kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng xem video ngắn TikTok, đang nỗ lực cắt giảm quy mô đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử của mình, qua đó ảnh hưởng tới công việc của hàng trăm nhân viên.
Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này từng rót hàng triệu USD để phát triển mảng kinh doanh trò chơi của mình một năm trước, song điều này đã thay đổi khi ByteDance gần như đã cắt giảm hầu hết nhân viên tại Wushuang Studio có trụ sở ở Thượng Hải thông qua việc sa thải và điều chuyển nội bộ, sau khi 101 Studio đóng cửa vào tháng 6, theo nguồn tin từ những người thân cận với ByteDance.
Tuy nhiên, đơn vị phát triển trò chơi của ByteDance sẽ duy trì một số hoạt động nhất định ở Thượng Hải cho các dự án đã khởi động, các nguồn tin cho biết. ByteDance cũng đang cắt giảm nhân sự tại Jiangnan Studio, studio phát triển trò chơi của họ ở Hàng Châu. Phía công ty mẹ TikTok hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Việc cắt giảm nhân sự của ByteDance, một trong những kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) được đánh giá cao nhất Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới, càng khiến ngành công nghiệp game Trung Quốc trở nên điêu đứng, điều mà một số nhà phân tích cho rằng đã qua thời điểm khó khăn nhất khi các nhà kiểm duyệt xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết của một trò chơi mới, từ cốt truyện cho tới trang phục nhân vật.
Liên quan tới việc siết chặt quy định đối với một số ngành kinh doanh, chính phủ Trung Quốc cũng đã hạn chế việc cấp giấy phép phát hành các tựa game mới, qua đó khiến triển vọng của ngành trở nên không chắc chắn vì các nhà phát triển trò chơi thường không biết liệu sản phẩm của họ có thể được đưa ra thị trường hay không.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp game không phải là lĩnh vực duy nhất chứng kiến sự khó khăn ở thời điểm hiện tại. Giám đốc điều hành mới của ByteDance, Liang Rubo, người đã tiếp quản gã khổng lồ công nghệ từ người sáng lập Zhang Yiming, đã thực hiện một chiến lược gọi là “thêm cơ và giảm mỡ”, hiểu một cách đơn giản là cắt giảm các hoạt động kinh doanh không có khả năng sinh lời hoặc có triển vọng tương đối ảm đạm
Xu hướng cắt giảm nhân sự của Big Tech Trung Quốc
ByteDance không phải là doanh nghiệp niêm yết và do đó, công ty không có nghĩa vụ tiết lộ các thay đổi về số lượng nhân viên hoặc hiệu suất tài chính của mình. Tuy nhiên, theo kết quả công bố từ các công ty công nghệ niêm yết khác, động thái cắt giảm việc làm ngày càng trở nên phổ biến trong những quý gần đây.
Tencent Holdings, gã khổng lồ truyền thông xã hội và trò chơi điện tử của Trung Quốc đã cắt giảm nhân sự lao động xuống còn 110.715 người vào cuối tháng 6, giảm khoảng 5.500 người so với thời điểm cuối tháng 3, theo báo cáo tài chính của công ty. Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh và sản phẩm tiện ích Xiaomi cũng cắt giảm 900 lao động trong quý II.
Kỳ lân ByteDance đã dựa vào mảng kinh doanh game như một lĩnh vực mà công ty có thể đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình bằng cách khai thác cơ sở người dùng TikTok khổng lồ trên toàn cầu. Vào tháng 2 năm ngoái, ByteDance đã thúc đẩy giai đoạn trọng tâm của studio sản xuất game hàng đầu Nuverse bằng cách tung ra một trang web độc lập cho nhóm phát triển và phát hành. Được dẫn dắt bởi cựu CEO Tencent Yan Shou, Nuverse có các cơ sở ở một số thành phố hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Thâm Quyến, theo trang web tuyển dụng của hãng.
Theo trang web của Nuverse, stuido này đã phát hành một số tựa game, chẳng hạn như Flower, một trò chơi phát triển trường học quý tộc theo phong cách Trung Quốc cổ đại và One Piece Blood Routes, một trò chơi di động hành động 3D. Vào tháng 7, Nuverse đã giành được giấy phép phát hành cho tựa game di động Crystal of Atlan.
Mặc dù Nuverse đang hướng tới việc tạo ra các trò chơi “khó nhằn”, có thể tạo ra doanh thu ổn định, nhưng thành công lớn nhất của ByteDance trong lĩnh vực này cho đến nay vẫn là các trò chơi có dung lượng nhỏ hơn, thông thường chủ yếu tạo ra doanh thu từ quảng cáo.
Tổng doanh thu do các công ty trò chơi điện tử Trung Quốc tạo ra và số lượng người chơi game ở nước này đều giảm trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức sụt giảm đầu tiên kể từ khi dữ liệu về ngành được thu thập vào năm 2008, theo một báo cáo được công bố bởi Hiệp hội Game Trung Quốc.
Doanh thu tổng hợp trên thị trường trò chơi điện tử của Trung Quốc giảm 1,8%, trong khi số lượng người chơi game cũng giảm nhẹ từ 666,57 triệu người vào cuối tháng 12/2021 xuống còn 665,69 triệu người vào cuối tháng 6, theo các nguồn tin được tổng hợp từ Hiệp hội Xuất bản Âm thanh – Video và Kỹ thuật số Trung Quốc.